Triết lý đầu tư kinh điển của John Bogle

Nếu bạn mong muốn đầu tư dài hạn với rất ít thời gian và không có niềm yêu thích với tài chính, chứng khoán. Phong cách đầu tư của John Bogle sẽ hợp với bạn. Hoặc ít nhất nó được hàng triệu người trên thế giới học theo

Triết lý đầu tư kinh điển của John Bogle

Nếu bạn là fan của đầu tư dài hạn, đầu tư vào quỹ ETF nhiều khả năng bạn biết đến John Bogle. Ông là người sáng lập quỹ đầu tư chi phí thấp Vanguard là nơi quản lý tài sản lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, ông được biết đến như một người truyền bá tư duy đầu tư dài hạn được rất nhiều người hưởng ứng và thực hành. Sau đây là những triết lý xây dựng tài sản dựa trên ý tưởng của ông

Xây dựng kế hoạch tiết kiệm đầu tư khả thi

Việc xây dựng một kế hoạch tài chính khả thi là bước đầu tiên quyết định sự thành công của bạn. Quan trọng nhất là xây dựng kế hoạch chi tiêu gia đình, nơi quyết định bạn cần bao nhiêu chi phí hằng tháng, bạn có thể dư ra bao nhiêu, cần bao nhiêu để trả tiền nhà, chuẩn bị quỹ học cho con hay đầu tư tuổi hưu trí.

  • Mọi tư duy đầu tư đều bắt đầu từ việc bạn xem xét lại bảng cân đối thu chi của bạn và gia đình. Giành số tiền dư ra sau chi phí để đầu tư. Không có cách nào thay thế việc chi tiêu ít hơn số tiền bạn kiếm được. Hãy sống dưới mức thu nhập. Nếu không, không có cách nào, không có thủ thuật nào có thể giúp bạn được.
  • Tránh xa nợ xấu, nợ lãi cao. Nếu bạn có nó, hãy ưu tiên trả nợ trước.

Sau khi bạn đã nắm được tình hình tài chính hiện tại, hãy viết ra các mục tiêu tương lai: bạn muốn quỹ lương hưu bao nhiêu? Bạn muốn chuẩn bị tiền học cho con cái? Sau khi có các con số, hãy xây dựng một bản kế hoạch đơn giản về mục tiêu của mình. Nên nhớ, bạn không cần phức tạp quá hay chờ đợi để có đầy đủ thông tin. Hãy cứ viết ra những gì bạn dự định trong đầu. Bạn có thể thay đổi sau khi có nhu cầu.

Đầu tư sớm và thường xuyên

Sau khi đã có kế hoạch của mình, hãy bắt đầu quá trình tích lũy tài sản. Tỷ lệ tích luỹ bao nhiêu thì đủ? Không có con số chính xác nhưng quy tắc thông thường là tiết kiệm và đầu tư tối thiểu 20% thu nhập hằng năm của bạn là ổn. Nếu bạn muốn nghỉ hưu trước tuổi 65 hoặc dành tiền cho con cái, từ thiện, có thể bạn sẽ phải tăng tỷ lệ đầu tư lên.

Lý do đầu tư càng sớm càng tốt là vì lãi suất kép. Nhờ lãi suất kép, khoản đầu tư của bạn giữ càng lâu càng mang lại nhiều lợi nhuận hơn

Đầu tư định kì cũng giúp giảm chi phí đầu tư dựa trên phương pháp trung bình giá. Hiểu đơn giản là, vì lạm phát, giá cả thường sẽ tăng lên theo thời gian, nên nếu bạn mua sớm sẽ được giá tốt hơn. Tuy nhiên đầu tư định kì không giúp bạn tránh được rủi ro biến động giá.

Đừng quá rủi ro, cũng đừng quá sợ rủi ro

Khả năng chịu đựng rủi ro là khả năng bạn giữ nguyên danh mục đầu tư ngay cả khi thị trường trải qua giai đoạn khó khăn. Để xem danh mục đầu tư hiện tại có phù hợp với ngưỡng chịu đựng rủi ro của bạn, hãy tự hỏi xem, nếu tài sản giảm giá 20% bạn có bán hết đi không? Đây là câu hỏi rất khó trả lời nếu bạn chưa từng có trải nghiệm thực sự.

Để nhận được lợi ích của việc tích luỹ tài sản, bạn phải nhận được lợi nhuận từ khoản tiền đầu tư. Cổ phiếu là tài sản mang lại lợi nhuận tốt, trong dài hạn, cổ phiếu ít nhất mang lại lợi nhuận tương đương với tăng trưởng GDP. Tuy nhiên cổ phiếu cũng có mức biến động giá rất lớn. Trong khủng hoảng, như năm 2008, giá cổ phiếu có thể giảm đến 50%.

Trái phiếu có thể mang lại lợi nhuận thấp hơn cổ phiếu, tuy nhiên chúng khá là an toàn do mức biến động giá của chúng thấp. Một danh mục đầu tư lý tưởng, gồm cổ phiếu và trái phiếu với tỷ lệ thích hợp, phù hợp với ngưỡng chịu đựng rủi ro của bạn là điều bạn nên thực hiện. Tuy nhiên tỷ lệ nào là lý tưởng?

Nếu khả năng chịu đựng rủi ro thấp, bạn nên tăng tỷ lệ trái phiếu trong danh mục lên và ngược lại. Khi khả năng chịu đựng rủi ro cao, bạn có thể tăng tỷ lệ cổ phiếu lên.

Thông thường, khi bạn còn trẻ, có thời gian và thu nhập, ngưỡng chịu đựng rủi ro cao hơn, bạn có thể tăng mua cổ phiếu. Khi về già, bạn phụ thuộc vào tài sản tích luỹ, việc giữ trái phiếu nhiều hơn là an toàn và hợp lý hơn. Quy tắc phổ biến là, % tài sản trái phiếu chính là số tuổi của bạn. Nếu bạn 30 tuổi, hãy giữ 30% tài sản đầu tư là trái phiếu (và 70% tài sản cổ phiếu). Khi bạn 60 tuổi, hãy giữ 60% tài sản là trái phiếu ...

Chúng ta rất dễ coi thường hoặc quá coi trọng rủi ro. Trong thị trường cổ phiếu tăng trưởng, rất dễ coi thường những người nắm giữ trái phiếu. Ngược lại, khi xảy ra khủng hoảng như năm 2008, những người nắm giữ cổ phiếu nhìn thấy tài sản giảm 50 -60% đã tự hỏi tại sao mình không mua trái phiếu. Luôn tuân thủ quy tắc khi đầu tư, giữ tỷ lệ cổ phiếu trên trái phiếu ở mức mà bạn có thể chịu đựng rủi ro được

Đa dạng hoá tài sản đầu tư

Nhà đầu tư cá nhân bình thường, thay vì cố gắng tìm kiếm và lựa chọn cổ phiếu riêng lẻ, hãy đầu tư vào các quỹ có mức đa dạng hoá tốt. Hoặc đầu tư các quỹ chỉ số mua cả thị trường (quỹ ETF). Đầu tư quỹ nghe có vẻ nhàm chán, nhưng chúng lại mang lại lợi nhuận tốt. Hầu hết nhà đầu tư cá nhân có mức lợi nhuận thấp hơn thị trường, sau khi trừ các khoản chi phí phải trả cho các quỹ chủ động. Một nghiên cứu ở Mỹ chỉ ra rằng, các Quỹ thường khoe khả năng lựa chọn cổ phiếu, nhưng lại giấu đi rằng các khoản phí của Quỹ đã ăn hết khoản lợi nhuận này. Và, thống kê cho thấy, không có Quỹ nào tăng trưởng tốt hơn thị trường trong dài hạn. Quỹ tăng trưởng tốt trong năm nay có khả năng thua thị trường năm tới. Nhà đầu tư nắm các quỹ như vậy sẽ không hưởng lợi tốt bằng các quỹ chỉ số thị trường.

Xem thêm:

Đừng cố tìm thời điểm đầu tư thích hợp

Một nghiên cứu khác ở Mỹ chỉ ra rằng, nhà đầu tư, đầu tư vào quỹ có mức lợi nhuận thấp hơn bản thân quỹ. Nguyên nhân vì, nhà đầu tư mua vào lúc quỹ hoạt động tốt và vội bán đi khi quỹ giảm giá trị. Hầu hết nhà đầu tư có lợi nhuận thấp bởi vì, họ đầu tư lúc thị trường đã lên đỉnh và vội bán đi khi thị trường đang ở đáy (Mua đáy bán đỉnh).

Thay vì vậy, hãy lập kế hoạch và bám chắc vào đó. Đầu tư định kì ngay cả khi thị trường lên hoặc xuống.

Sử dụng quỹ chỉ số khi có thể

Cách tốt nhất và rẻ nhất để mua thị trường là sử dụng quỹ chỉ số ETF hoặc quỹ cổ phiếu. Đây là các quỹ có sẵn và khá phổ biến.

Xem thêm:

Giữ chi phí thấp

Sự chênh lệch phí giữa 0.15% và 1.5% có vẻ không nhiều lắm. Nhưng ảnh hưởng của thời gian và lãi suất kép, lợi nhuận của 2 quỹ này có thể khác nhau rất nhiều

So sánh lợi nhuận thu được với các mức chi phí khác nhau. Giả sử mỗi năm đầu tư 100 triệu trong 30 năm, lợi nhuận tài sản 7% năm

Bảng trên là một ví dụ so sánh lợi nhuận thu được sau khi trừ chi phí. Giả sử 2 quỹ đầu tư sinh lợi 7% như nhau. Một quỹ chi phí 0.15%/năm (màu xanh), quỹ còn lại thu 1.5%/năm (màu đỏ). Cùng đầu tư 100 triệu/năm. Sau 30 năm sẽ cho lợi nhuận chênh lệch nhau tới gần 2,2 tỷ! (Tài sản tích luỹ, quỹ xanh: 9.82 tỷ, màu đỏ: 7.64 tỷ). Bảng này mình tự lập

Xem thêm:

Tối ưu hoá chi phí thuế

Không ai biết ngày mai thị trường chứng khoán tăng hay giảm, Không ai biết lợi nhuận đầu tư năm nay là bao nhiêu phần trăm. Thay vì đoán thị trường (và suốt ngày lo lắng), hãy xem bạn có thể làm gì để cải thiện lợi nhuận. Ở một số quốc gia cho phép bạn có thể trích ra một khoản đầu tư không tính thuế. Hãy tối đa hoá các tài khoản này. Một các khác là, một số tài sản bị tính thuế cao hơn tài sản khác. Hãy tìm hiểu kĩ các khoản đánh thuế này và quản lý tài sản của bạn một cách hiệu quả, bao gồm tối thiểu hoá khoản thuế phải trả.

Ở Việt Nam, chưa có tài khoản đầu tư trước thuế thu nhập cá nhân. Bạn chỉ có thể giảm trừ thuế cho việc đóng bảo hiểm. Nhưng chắc chắn Việt Nam sẽ không đi ngược xu hướng

Đơn giản hoá đầu tư

Sự đơn giản là chìa khoá của thành công trong tài chính. Khi có nhiều giải pháp cho một vấn đề, hãy lựa chọn giải pháp đơn giản nhất - John Bogle -

Bạn không cần phải mua nhiều quỹ để đa dạng hoá trong đầu tư. Một quỹ cổ phiếu toàn cầu đã bao gồm hàng nghìn cổ phiếu. Một quỹ trái phiếu toàn cầu đã bao gồm hàng ngàn trái phiếu khác nhau có lãi suất, đáo hạn, kiểu chi trả ... khác nhau.  Bạn có thể xây dựng danh mục đầu tư tốt, hiệu quả chỉ với 2 hay 3 quỹ đầu tư là đủ.

Danh mục đầu tư đơn giản có rất nhiều lợi thế.

  • Giảm thiểu chi phí
  • Dễ phân tích, tái phân bổ vốn, dễ khai thuế
  • Giảm thời gian chuẩn bị giấy tờ và lưu trữ tài liệu
  • Giúp bạn tiết kiệm thời gian suy nghĩ đầu tư, và dành thời gian cho gia đình và công việc chuyên môn của bạn

Giữ vị thế đầu tư

Đây là một nhiệm vụ khá thử thách đối với mọi nhà đầu tư thành công nhưng nó xứng đáng thực hiện. Tạo một bản kế hoạch tài chính, thực hiện nó bất kể thị trường ra sao.

Khi thị trường chứng khoán tăng và các quỹ thu được lợi nhuận tốt, thật dễ để thực hiện kế hoạch này. Khi thị trường chứng khoán giảm và giá trị tài sản giảm 50%, thật khó để giữ vững tinh thần. Thậm chí ngay cả khi thị trường hoạt động bình thường cũng có rất nhiều lời khuyên khiến bạn mất tập trung. Như có một tài sản mới khiến các nhà đầu tư vào nó kiếm bộn tiền.

Cố gắng đừng để bị mất tập trung.

Xây dựng một danh mục gồm cổ phiếu để tìm kiếm lợi nhuận và trái phiếu để danh mục bớt biến động. Tái cân bằng danh mục khi cần thiết. Hãy để thị trường quyết định phần còn lại.

Kết luận

Tóm lại một nhà đầu tư theo trường phái Bogle sẽ:

  • Tiết kiệm nhiều nhất có thể
  • Đầu tư vào lớp tài sản gồm cổ phiếu và trái phiếu
  • Mua các quỹ đầu tư với chi phí thấp và đa dạng hoá tốt
  • Đầu tư vào tài khoản tối ưu thuế
  • Giữ kỉ luật đầu tư

Tất cả việc này yêu cầu 1 ngày để chuẩn bị và mỗi năm 1 ngày để kiểm tra, tái phân bổ tài sản đầu tư. Bạn không cần nhìn bảng điện hay lo lắng về thị trường lên hay xuống mỗi giờ đồng hồ. Cái bạn cần là kiên nhẫn và tầm nhìn xa để thấy rằng, mua cả thị trường sẽ mang lại lợi nhuận tốt hơn những kế hoạch khác.

Theo Boglehead


Share Tweet Send
0 Bình luận
Đang nạp...
You've successfully subscribed to Finaz.vn
Great! Next, complete checkout for full access to Finaz.vn
Welcome back! You've successfully signed in
Success! Your account is fully activated, you now have access to all content.