Tất tần tật về đầu tư ESG (P1)

Đầu tư ESG đang trở thành xu hướng mạnh mẽ, được ủng hộ cả trong nghiên cứu và ứng dụng. Gần đây ESG được sử dụng trong giáo trình chính thức của CFA. Bài viết sẽ cho bạn cái nhìn toàn diện về chủ đề siêu hot trong ngành tài chính này.

Tất tần tật về đầu tư ESG (P1)

Giới thiệu

Quá trình xem xét, lựa chọn tài sản đầu tư không chỉ dựa trên lợi nhuận (từ quá khứ) của tài sản đã có một lịch sử phát triển dài. Kể từ những năm 2000, đầu tư có trách nhiệm đã phát triển mạnh và trở thành một nhân tố quan trọng trong quá trình quyết định đầu tư. Quá trình này xem xét kĩ lưỡng vai trò của doanh nghiệp trong xã hội.

Các nhà quản lý tài sản phải đối mặt với nhiều vấn đề hơn, khi phải đánh giá công ty ở nhiều mặt hơn không chỉ là báo cáo tài chính mà còn ảnh hưởng tới môi trường, xã hội mà doanh nghiệp hoạt động. Vậy các nhà nghiên cứu và quản lý tài sản nói gì và áp dụng trong thực tế như thế nào về đầu tư ESG? Ảnh hưởng của ESG đến lợi nhuận của khoản đầu tư? Liệu các yếu tố ESG có mang lại lợi nhuận cho bản thân doanh nghiệp trong tương lai?

Đầu tư ESG là gì?

Đầu tư có trách nhiệm có nhiều định nghĩa theo thời gian. Trong những năm gần đây, một "hệ thống" đang nhận được nhiều sự chú ý, được gọi là đầu tư dựa vào các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị (ESG)

Lịch sử về đầu tư có trách nhiệm

Thời cổ đại

Ý tưởng về đầu tư dựa trên các yếu tố khác ngoài lợi nhuận đã có lịch sử lâu đời và chủ yếu dựa trên niềm tin tôn giáo

  • Trong kinh Torah của Do Thái giáo đã có một số điều luật cho chủ đất, tiền cho thuê đất và thuế. Mục tiêu của những luật này là duy trì sự công bằng và ổn định trong xã hội hơn là tối đa hoá lợi nhuận cho cá nhân.
  • Tương tự như vậy, trong Đạo Hồi, tập trung vào các điều luật cấm cho vay nặng lãi, và mở rộng hơn  đến việc bóc lột thông qua kinh doanh hoặc thương mại. Những nguyên lý này còn áp dụng trong luật Sharia ngày nay.
  • Một dạng khác của đầu tư có tránh nhiệm được phát triển trong Cộng đồng Tôn Giáo (Quakers). Theo đó, năm 1758, những người trong cộng đồng nhất trí rằng, các thành viên không được đầu tư vào buôn bán nô lệ. Tương tự, phong trào Methodist cũng áp dụng việc thực hành đầu tư có trách nhiệm, yêu cầu việc đầu tư không gây tổn hại đến người khác hoặc việc kinh doanh của người khác.

Giai đoạn cận đại

  • Trong những năm 1950-1960, một vài hiệp hội thực hành đầu tư quỹ lương hưu của họ vào các dự án liên quan đến cộng đồng như trung tâm y tế hay dự án nhà ở. Họ bắt đầu sử dụng quyền cổ đông để gây ảnh hưởng lên các hoạt động của công ty.
  • Thập kỉ 60, phong trào Quyền Công Dân đã tẩy chay và hỗ trợ tài chính các dự án phát triển như một phần các hoạt động của họ
  • Thập kỉ 70, Các công ty thống nhất chống lại các công ty cung cấp vũ khí cho chiến tranh Việt Nam
  • Thập kỉ 70 - 80, các chiến dịch chống đầu tư vào Nam Phi do phong trào phân biệt chủng tộc ở đây
  • Thập kỉ 80, một tập hợp các hoạt động Đầu tư có trách nhiệm (SRI) ở Bắc Mỹ bao gồm: đầu tư vào các quỹ chỉ số nhưng tránh các công ty rượu, thuốc lá, cờ bạc, sản xuất vũ khí, giải trí người lớn. Đồng thời đầu tư vào các công ty tốt nhất trong mỗi ngành nghề: công ty có lãnh đạo phụ trách các vấn đề về môi trường, xã hội và quản trị.
  • Đến thập kỉ 90, mối quan tâm đến đầu tư có trách nhiệm đã được thừa nhận rộng rãi, dẫn đầu bởi các công ty tư vấn tài chính. Đặc biệt cho các nhà đầu tư quan tâm đến các vấn đề về môi trường và xã hội.

Định nghĩa về ESG hiện nay

Việc thực hành ESG trong đầu tư đã và đang được khuyến khích rộng rãi, đặc biệt ở Châu Âu. Việc khuyến khích bao gồm các công ty phải báo cáo cho cổ đông về ảnh hưởng của hoạt động công ty với môi trường, xã hội và quản trị. Một sự thay đổi mang tính quyết định trong thực tiễn đầu tư có trách nhiệm với xã hội đã xảy ra vào những năm 2000, khi một số sáng kiến liên chính phủ, đặc biệt là ở châu Âu, bắt đầu thúc đẩy tăng mức độ tiết lộ của công ty và bảo vệ quyền cổ đông. Trong một báo cáo năm 2004 từ Sáng kiến Tài chính của Chương trình Môi trường LHQ ('UNEP'), khi nói về những báo cáo của môi giới, họ nhận thấy cách sử dụng đầu tiên của cụm từ 'các vấn đề môi trường, xã hội và quản trị', sau này được rút gọn thành ESG. Hình 2 liệt kê một số ví dụ về các vấn đề thường được đề cập trong mỗi danh mục.

<Hình>

Yếu tố môi trường

Yếu tố mà hoạt động của công ty gây ảnh hưởng nhiều nhất đến trái đất là môi trường. Đây là vấn đề nhận được nhiều sự chú ý nhất trong thời gian gian gần đây.

Hiện tượng ấm lên toàn cầu, thống kê cho thấy nhiệt độ trái đất đã tăng thêm 1 độ C so với trước thời kì công nghiệp hoá và sẽ tiếp tục tăng lên 1,5 độ C trong giai đoạn 2030 - 2052. Việc tăng nhiệt độ phần lớn do hiệu ứng nhà kính, do khí thải từ các ngành công nghiệp tích luỹ trong bầu khí quyển. Và, kể cả chúng ta dừng xả khí thải lên không trung, quá trình tăng nhiệt độ cũng sẽ chưa dừng lại ngay lập tức.

Hiện tượng mất rừng nguyên sinh do con người thay thế cây để lấy không gian phục vụ các hoạt động của mình. Phá rừng liên quan đến các hoạt động nông nghiệp, khai thác khoáng sản, khoan dầu. Phá rừng liên quan trực tiếp đến những người sống tại địa phương, đa dạng sinh học. Phá rừng cũng liên quan đến việc nóng lên toàn cầu khi giảm diện tích rừng đồng thời cũng mất nơi hấp thụ khí CO2 trong không khí.

Đánh bắt cá quá mức cũng là một vấn đề khác. Việc đánh cá quá mức, sử dụng lưới không đúng làm cạn kiệt nguồn cá, phá huỷ hệ sinh thái đại dương. Lưới hỏng được vứt thẳng xuống biển cũng là nguồn rác thải nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến các loài cá đang sống nếu mắc phải.

Ô nhiễm không khí, đất và nước là một nguồn rủi ro môi trường khác. Ô nhiễm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ con người, đặc biệt là các bệnh ung thư. Việc ô nhiễm quá mức ở một khu vực có thể khiến con người không thể sinh sống được như các vụ tai nạn, các vụ thử hạt nhân.

Các yếu tố môi trường trên có thể ảnh hưởng trực tiếp đến con người theo các cách sau:

  • Một vài khu vực không thể sinh sống được, gây ra các vấn đề về di dân, nhân đạo
  • Các hiện tượng thời tiết cực đoan có xu hướng tăng
  • Chuỗi cung cấp thực phẩm có thể bị gián đoạn, ảnh hưởng do giảm năng suất nông nghiệp và phá huỷ môi trường biển

Chúng cũng là những nhân tố gây ảnh hưởng đến kinh doanh, như nền kinh tế chung có thể bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm (chi phí khám chữa bệnh tăng lên...) hoặc các công ty trong ngành năng lượng hoá thạch (than đá, dầu mỏ...) có thể bị ảnh hưởng lớn do sự dịch chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo (gió, năng lượng mặt trời)

Các yếu tố xã hội

Yếu tố xã hội đo lường ảnh hưởng của công ty đến các nhân viên, khách hàng, các cổ đông, đối tác và xã hội nói chung. Việc theo dõi để đảm bảo các quyết định của công ty là công bằng với các cổ đông, đối tác và tạo thêm giá trị cho công ty. Các yếu tố cần xem xét ở đây là:

  • Chất lượng của công ty như một đơn vị chủ quản: các chương trình hỗ trợ và bảo vệ sức khoẻ người lao động. Các cơ hội học tập và phát triển nghề nghiệp
  • Mối quan hệ của công ty với khách hàng: Các sản phẩm được tạo ra có chất lượng tốt? Họ có quan tâm đến khách hàng thông qua các chương trình chăm sóc khách hàng? Liệu họ có quan tâm các sản phẩm bán ra có ảnh hưởng đến sức khoẻ khách hàng?
  • Mối quan hệ với các nhà cung cấp: Công ty có theo dõi chất lượng của các nhà cung cấp? như việc các nhà cung cấp bóc lột người lao động hoặc gây ảnh hưởng đến môi trường làm việc (xả thải ...)
  • Mối quan hệ công ty với xã hội nói chung: Công ty có coi trọng các giá trị mà xã hội đề cao: Đa dạng văn hoá, ngăn chặn tội phạm, thúc đẩy các hoạt động tình nguyện, hỗ trợ địa phương ....

Các yếu tố quản trị

Yếu tố quản trị liên quan đến hệ thống quản trị của công ty để bảo vệ quyền lợi của cổ đông, các nhân tố này bao gồm:

  • Bảo vệ quyền cổ đông
  • Bảo vệ tính độc lập và thúc đẩy sự đa dạng của ban quản trị
  • Đảm bảo rằng lương thưởng của ban quản lý là rõ ràng, minh bạch và đi cùng với lợi ích của cổ đông, đối tác liên quan
  • Bảo vệ việc chống lại tham nhũng và đút lót

ESG và các công ty

Đứng từ phía góc nhìn của công ty, CEO và ban quản lý, liệu việc thúc đẩy các yếu tố ESG có mang lại giá trị cho công ty

Góc nhìn cũ về mục tiêu của doanh nghiệp

Theo Adam Smith trong sách "Sự giàu có của các dân tộc", sự mưu cầu lợi ích của cá nhân, doanh nghiệp cho phép tự do trao đổi hàng hoá, tăng cạnh tranh từ đó tối đa hoá lợi ích của xã hội. Từ góc nhìn này, doanh nghiệp nên tối đa hoá lợi ích của cổ đông, trong khi các đối tác (stakes holder như nhân viên, nhà cung cấp, khách hàng, chính phủ ...) nên được bảo vệ bằng hợp đồng và luật pháp.

Theo Pigou(1920), nhà nước chỉ nên can thiệp trong một số trường như giải pháp chưa rõ ràng, chi phí giao dịch quá cao và khi thông tin bất cân xứng (một bên nắm nhiều thông tin hơn bên kia)

Một đề xướng dựa trên quan điểm cổ điển khác của nhà kinh tế học Milton Friedman. Trong một bài báo trên NYT năm 1970, ông cho rằng doanh nghiệp chỉ nên có một mục đích duy nhất là mang lại giá trị cho cổ đông được đo bằng giá trị thị trường. Các mục tiêu khác (như đạo đức) nên được giao cho cá nhân và chính phủ giải quyết.

Cheng và các cộng sự (2020) cung cấp các bằng chứng thực nghiệm cho thấy. Giả thiết rằng, "khi chi tiêu cho "Trách nhiệm xã hội" giảm, giá trị doanh nghiệp tăng lên và các cổ đông giàu hơn có thể trích một phần lợi nhuận để làm từ thiện" không xảy ra trong thực tế. Do đó họ gợi ý rằng, có thể phải đánh đổi giữa lợi ích của cổ đông và đầu tư vào các dự án trách nhiệm xã hội (gần như coi đầu tư vào ESG là chi phí doanh nghiệp)

Một số nghiên cứu cho thấy, doanh nghiệp hành xử một cách "có đạo đức" thường mang lại tác dụng trái ngược. Mô hình của Davies and Van Wesep (2018) cho thấy việc thúc đẩy đa dạng hoá chỉ có tác dụng tăng giá cổ phiếu trong ngắn hạn và hành vi của các giám đốc điều hành không thay đổi. Các chính sách lương thưởng cho bộ máy quản lý liên quan đến lợi nhuận cổ phiếu trong dài hạn có thể thúc đẩy các giám đốc giảm giá trị công ty trong ngắn hạn để đạt được mức tăng dài hạn

Góc nhìn mới về mục đích của doanh nghiệp

Mục đích rộng hơn của doanh nghiệp đang được nghiên cứu rộng hơn và được chấp nhận rộng rãi. Dưới đây là một số ý kiến từ Diễn đàn kinh tế thế giới:

  • Mục đích của một công ty là khuyến khích các bên liên quan chia sẻ và giữ các giá trị tạo ra một cách bền lâu
  • Trách nhiệm của ban quản lý công ty trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn là tạo ra giá trị bền vững cho cổ đông, không đánh đổi giá trị dài hạn cho giá trị ngắn hạn
  • Công ty không chỉ là nơi tạo ra lợi nhuận, nó còn có tính nhân bản, truyền cảm hứng đến xã hội như một phần của xã hội nói chung

Trong văn bản của hội nghị bàn tròn kinh tế năm 2019, mục đích của doanh nghiệp được nhắc đến như:

  • Mang lại giá trị cho khách hàng
  • Đầu tư vào nhân viên
  • Chia sẻ giá trị công bằng cho các nhà cung cấp
  • Hỗ trợ công đồng địa phương
  • Tạo giá trị dài hạn cho cổ đông, chúng ta đầu tư vốn cho phép công ty đầu tư, phát triển và sáng tạo

Đây là những góc nhìn mới, rộng hơn về mục đích của doanh nghiệp. Những nghiên cứu thực nghiệm gần đây cũng cho thấy đầu tư ESG có thể không chỉ đơn thuần là chi phí

  • Freeman (1984), trong một ví dụ về phát triển học thuyết cho các bên liên quan, mô tả công ty như một hệ thống tạo ra giá trị không chỉ cho cổ đông mà còn cho hệ sinh thái xung quanh như khách hàng, nhân viên, nhà cung cấp, cộng đồng ...
  • Nghiên cứu của Bénabou and Tirole (2010) cho thấy tối đa hoá lợi nhuận và theo đuổi các mục tiêu xã hội không hoàn toàn tương phản lẫn nhau. Họ mô tả 3 động lực để công ty thực hiện các dự án xã  hội: Làm tốt bằng cách làm tử tế, thúc đẩy việc từ thiện và xây dựng giá trị từ thiện từ bên trong doanh nghiệp

Triển khai ESG trong thực tế

Coi ESG như một phần của quá trình đầu tư

Các yếu tố ESG có thể ảnh hưởng đến doanh nghiệp theo các cách:

  • Chi phí vốn có thể tăng nếu các yếu tố ESG  đạt điểm thấp (Các quỹ đầu tư, cả chủ động và bị động, được yêu cầu không đầu tư vào các công ty có điểm ESG thấp). Do đó, việc quan tâm đến việc thực hành ESG mang lại lợi thế cho công ty.
  • ESG có thể ảnh hưởng đến rủi ro và lợi nhuận của dự án (sản phẩm có chứa chất gây độc hại có thể bị tẩy chay ...). Chúng ta sẽ làm rõ ở phần sau của bài viết
  • Doanh nghiệp có thể nhận ưu đãi từ chính phủ trong các lĩnh vực đang được ưu ái (như năng lượng tái tạo)

Cách tiếp cận loại trừ

Phương pháp này chú trọng vào việc lập một danh sách loại trừ, để tránh các hoạt động đầu tư hoặc làm giảm điểm ESG. Ví dụ, với quỹ đầu tư: lập danh sách các công ty có điểm ESG thấp để tránh đầu tư. Tiếp cận loại trừ có thể áp dụng ở tất cả các ngành nghề.

Cách tiếp cận tích hợp

Phương pháp này xem xét các yếu tố ESG có thể ảnh hưởng đến bảng cân đối kế toán như thế nào, ví dụ:

  • Ảnh hưởng đến chi phí: với các công ty sử dụng tài nguyên thiên nhiên có thể chịu chi phí đầu vào tăng cao khi chính phủ áp dụng các biện pháp quản lý tài nguyên, chống phá rừng hay thắt chặt xả thải, áp thuế cho các khai khoáng ..
  • Ảnh hưởng đến doanh thu: Ví dụ các công ty trong ngành năng lượng tái tạo có thể tăng doanh thu nhờ chính sách hỗ trợ của chính phủ cho ngành này

Cách tiếp cận chọn-công ty-tốt-nhất

Phương pháp này lựa chọn công ty hàng đầu trong ngành nghề về tiêu chí ESG.

Khuyến khích các cổ đông hoạt động tích cực

Việc này bao gồm việc đệ trình các vấn đề về ESG đến ban lãnh đạo công ty trong các cuộc họp cổ đông. Bỏ phiếu bầu ban lãnh đạo, hoặc gây sức ép với ban lãnh đạo

Đầu tư theo xu hướng vĩ mô

Cách tiếp cận này dựa vào việc sử dụng các yếu tố ESG để tìm kiếm các ngành nghề chịu ảnh hưởng bởi xu thế biến đổi khí hậu, ô nhiễm, đô thị hoá... Các công ty cung cấp giải pháp cho vấn đề này có thể có tiềm năng phát triển tốt trong tương lai và là khoản đầu tư hấp dẫn.

Đầu tư gây ảnh hưởng

Nhằm quyết định đầu tư hay không đầu tư các công ty hoặc dự án có mục tiêu xã hội hoặc môi trường cụ thể. Các tiêu chí này được lên danh sách cụ thể dựa trên các tiêu chí được mạng lưới đầu tư tác động toàn cầu (GIIN) phát hành như:

  • Ý định: Mục tiêu của dự án là hỗ trợ hay giải quyết vấn đề gì của cộng đồng hay môi trường
  • Lợi nhuận: Một khoản đầu tư khác với từ thiện. Nó yêu cầu mang lại lợi nhuận trên vốn đầu tư
  • Lớp tài sản đầu tư: Đầu tư cổ phần hay cho vay ...
  • Đo lường ảnh hưởng: nhà đầu tư cần nhận được báo cáo về tiền đầu tư của mình có tác động đến môi trường, xã hội như thế nào.

Tạm kết

Đầu tư có trách nhiệm có một lịch sử dài và đã trở thành một xu hướng lớn trong đầu tư. Nhờ vào sự quan tâm của các cổ đông, những người muốn tiền của mình được đầu tư vào những nơi mang lại ảnh hưởng tích cực cho các bên liên quan cũng như môi trường và xã hội. Chúng ta sẽ còn tiếp tục tìm hiểu xem, các lớp tài sản (cổ phiếu, trái phiếu ...) được lựa chọn như thế nào dựa trên tiêu chí ESG ở Phần 2 của bài viết.

Bài viết được lược dịch từ Man Institute

Nếu bạn muốn nhận được lời nhắc khi có bài viết mới. Hãy đăng kí lại email ngay bên dưới và like Facebook page của chúng tôi. Chúng tôi rất vui được gặp lại bạn! <3

Share Tweet Send
0 Bình luận
Đang nạp...
You've successfully subscribed to Finaz.vn
Great! Next, complete checkout for full access to Finaz.vn
Welcome back! You've successfully signed in
Success! Your account is fully activated, you now have access to all content.