Tại sao đầu tư quỹ ETF vẫn thua lỗ?

Nhận thức được việc đầu tư thụ động có thể mang lại lợi nhuận. Bạn bỏ tiền vào qũy ETF, tuy nhiên hiệu qủa không đạt như kì vọng. Tại sao?

Tại sao đầu tư quỹ ETF vẫn thua lỗ?

Lời tựa

Nhìn chung các nhà đầu tư tài chính chuyên nghiệp đều khuyên nhà đầu tư nhỏ lẻ nên "mua toàn bộ thị trường" bằng cách đầu tư phần lớn tài sản vào qũy ETF thay vì chạy theo cổ phiếu riêng lẻ. Tuy nhiên, không phải bạn bỏ tiền vào qũy ETF và nhìn tài sản tăng đều đặn như gửi tiết kiệm. Sau đây là một vài lý do khiến bạn vẫn lỗ ngay cả khi thực hiện đúng lời khuyên của các chuyên gia.

Đầu tư không đúng thời điểm

Kịch bản thường thấy (và mình cũng mắc phải) là, tự đầu tư trong một khoảng thời gian. So sánh lợi nhuận tự đầu tư và qũy ETF và nhận thấy lợi nhuận đầu tư thụ động thậm chí tốt hơn. Mình bỏ tiền vào qũy ETF đúng lúc thị trường đi xuống. Lỗ.

Như bạn thấy, chỉ số VNindex đã gần đạt 1200 điểm vào năm 2007, phải mất 11 năm sau đó nó mới quay lại đỉnh này và chỉ thực sự vượt qua vào tháng 3/2021. Nếu bạn đầu tư tất cả tiền bạc vào đúng đỉnh VNindex, bạn phải mất 14 năm mới hoàn lại vốn (tạm bỏ qua lợi nhuận cổ tức).

Lựa chọn thời gian đầu tư, như bạn thấy, cũng quyết định nhiều đến lợi nhuận thu được. Thị trường, cũng giống như cổ phiếu riêng lẻ, có thể lên xuống như chu kì kinh tế.

GDP vs chỉ số VNINDEX. GDP trung bình tăng 6%/năm. Chỉ số VNindex tăng trung bình (CAGR) 12%/năm

Nhà đầu tư bán đi khi thị trường đi xuống

Mọi người thường tự tin khi mới bắt đầu đầu tư. Họ cho rằng mình có thể "nắm giữ đến chết" nhưng khi thị trường lao dốc, họ lại tự nhủ "cắt lỗ không bao giờ sai" và "mình sẽ mua lại khi thị trường ở đáy". Tuy nhiên, họ cứ chờ, và có  thể chờ đến khi mua lại đúng đỉnh.

Trong bài viết về triết lý đầu tư của John Bodge, người sáng lập qũy đầu tư chỉ số lớn nhất thế giới Vanguard, việc đầu tư sớm và thường xuyên là rất quan trọng. Mua đều đặn và không bán khi thị trường điều chỉnh.

Lợi nhuận đầu tư trung bình năm của chỉ số VNindex nếu đầu tư một lần từ năm 2000 (cột CAGR) mang lại lợi nhuận 12%, đầu tư 2 triệu mỗi năm có lợi nhuận 11,7%/năm. Đầu tư chỉ số VN30 mỗi 2 triệu/năm mang lại lợi nhuận 11%/năm

Giao dịch liên tục giữa các qũy

Thêm một lỗi nữa của các nhà đầu tư cá nhân, họ mua và bán liên tục giữa các quỹ với nhau. Có lẽ đây là thói quen được mang theo từ giao dịch cổ phiếu riêng lẻ. Đang nắm giữ quỹ A, thấy quỹ B tăng mạnh hơn, bán A mua B, đến lượt quỹ A tăng họ làm ngược lại. Việc giao dịch liên tục vừa làm tăng giá vốn và chi phí giao dịch, mặt khác lại phải trả thuế, phí cho phần lợi nhuận được ghi nhận.

Cách làm ở đây là lựa chọn đúng quỹ và nắm giữ dài hạn. Giao dịch với kỉ luật và theo tiêu chí định sẵn.

Quá thường xuyên Rebalance (tái phân bổ) giữa các quỹ

Rebalance là việc tái phân bổ tài sản vào các quỹ. Ví dụ, bạn xác định từ đầu tiền của bạn sẽ nằm trong quỹ trái phiếu và cổ phiếu với tỷ lệ 60-40. Sau năm đầu tiên, bạn nhận thấy giá trị quỹ đã thay đổi, giả dụ tỷ lệ mới là 65-35. Bạn sẽ tái phân bổ lại tài sản bằng cách bán bớt trái phiếu và mua lại cổ phiếu để đạt được tỷ lệ ban đầu là 60-40.

Tái phân bổ thường được các chuyên gia tài chính khuyên nên thực hiện mỗi 6 tháng hoặc 1 năm. Tuy nhiên, nhiều người cảm thấy sốt ruột khi tỷ lệ này thay đổi hoặc thị trường có biến động khiến họ lo lắng, tự thúc giục việc giao dịch.

Bản thân việc tái phân bổ tài sản vẫn còn là một tranh cãi trong giới học thuật. Ví dụ bảng sau cho thấy, việc không tái phân bổ tài sản mang lại lợi nhuận cao hơn tái phân bổ định kì

Tái phân bổ tài sản Trái phiếu và chỉ số SP500. Số liệu từ 1926 đến 2011 cho thấy. Tái phân bổ hàng năm, mang lại lợi nhuận 8.3% trong khi không thực hiện tái phân bổ mang lại lợi nhuận 9.1% 

Không tái đầu tư cổ tức

Khi nhận được cổ tức từ quỹ hoặc cổ phiếu bạn chần chừ hoặc không đầu tư lại cổ tức để chờ "khi thị trường thuận lợi". Việc này làm giảm lợi nhuận do hiệu ứng lãi suất kép.

Đọc thêm: Lãi suất kép là gì?

Đầu tư qua nhiều trung gian

Và như vậy đơn giản là tăng chi phí. Rất nhiều quỹ, nếu không muốn nói là hầu hết các quỹ đều có thể mua trực tiếp từ website của họ hoặc giao dịch trên sàn chứng khoán với giá trị tối thiểu từ một vài triệu. Đừng mua qua các đơn vị trung gian với những lời hứa hẹn về sự đa dạng hóa và lãi suất cao. Bản thân các quỹ đã tự đa dạng hóa rồi và việc mua qua các đơn vị trung gian (như các app đầu tư) khiến bạn chịu thêm rủi ro lừa đảo, tăng chi phí từ họ. Hãy giao dịch trực tiếp với các công ty quản lý quỹ được pháp luật thừa nhận như SSI, TCBS hay VCI ...

Đọc thêm: Quỹ ETF là gì? Tại sao bạn nên đầu tư quỹ ETF?

Tạm kết

Việc đầu tư "mua cả thị trường" thông qua quỹ tương hỗ hay tốt hơn là quỹ ETF là cách đầu tư đơn giản nhưng vẫn mang lại lợi nhuận trong dài hạn nhờ sự phát triển của thị trường. Nếu bạn không có thời gian hoặc nhận thấy thời gian dành cho công việc chuyên môn mang lại lợi nhuận cao hơn việc nhìn vào màn hình giao dịch. Hãy mạnh dạn mua quỹ chỉ số và nhớ. HÃY KIÊN NHẪN.


Link file Mô phỏng đầu tư chỉ số VNindex và VN30: tại đây. Mọi người có thể vào File > Make a copy để lưu về máy

Nếu bạn muốn nhận được lời nhắc khi có bài viết mới. Hãy đăng kí lại email ngay bên dưới và like Facebook page của chúng tôi. Chúng tôi rất vui được gặp lại bạn! <3

Share Tweet Send
0 Bình luận
Đang nạp...
You've successfully subscribed to Finaz.vn
Great! Next, complete checkout for full access to Finaz.vn
Welcome back! You've successfully signed in
Success! Your account is fully activated, you now have access to all content.