Nhà đầu tư F0: đừng vào các nhóm tín hiệu. Hãy làm 7 việc sau khi bắt đầu tham gia thị trường

Chúc mừng bạn đã quyết định dấn thân vào đầu tư chứng khoán. Cũng giống như kinh doanh hay kĩ thuật, chứng khoán cũng có những đặc điểm riêng mà chỉ khi vào bạn mới biết được. Hãy dành thời gian khởi động trước khi nhảy vào đại dương chứng khoán bằng bài viết này nhé

Nhà đầu tư F0: đừng vào các nhóm tín hiệu. Hãy làm 7 việc sau khi bắt đầu tham gia thị trường

Hàng chục câu hỏi "Em là nhà đầu tư F0 cần hỗ trợ, anh chị chỉ giùm cách chơi ..." Kéo theo là các lời chào mời tham gia các nhóm "kín". Một số nhóm có thể tốt, số khác dụ đầu tư Forex, các sàn lừa đảo, vừa mất tiền lại sai luật. Nếu bạn thực sự quan tâm đến việc kiếm tiền bằng việc đầu tư và tìm kiếm kinh nghiệm. Hãy làm 5 việc này trước đã

Xác định số tiền đầu tư và mức độ chốt lời và chốt rủi ro

Việc này nhằm đạt được vài mục đích. Thứ nhất, nếu bạn định bỏ tất cả (all -in) vào cổ phiếu thì mình cho việc đó quá rủi ro. Thứ 2, nếu bạn xác định cứng một con số trước, sau này môi giới hay các diễn đàn có kêu gọi kiểu gì bạn cũng không bỏ thêm tiền vào. Nhất quyết không, vì bạn đã xác định trước rồi.

Mức chốt lời để sang phần cuối cùng sẽ nói tiếp. Mức chốt lỗ để bạn bán ra khi chỉ số bạn mua giảm quá mức. Tạm thời để mức chốt lời 15% và mức chốt lỗ là 10% nhé.

Ví dụ: bạn mua xyz giá 40k, bạn có thể nghĩ đến bán đi nếu giá lên 46k và bán đi nếu giá giảm xuống 36k. Con số này không phải cố định nhưng mình sẽ nói sau

Mở tài khoản và nói chuyện với môi giới. Đừng-mua-vội

Tìm hiểu và mở tài khoản tại một trong số các công ty tại Việt Nam. Đừng nghe bất-kì-ai kêu gọi mở tài khoản forex hay tiền điện tử ở nước ngoài.

Danh sách công ty môi giới ở đây.

Hãy thử sức ở một công ty uy tín, được luật pháp bảo hộ và ít rủi ro hơn chứng khoán nước ngoài (vì có giới hạn tăng giảm trần sàn)

Đừng vội nghe ai đó che thị trường chứng khoán Việt Nam. Bạn phải (nên) thuần thục ao làng trước khi bơi ra đại dương, đúng không nào.

Chọn công ty chứng khoán thì tuỳ khẩu vị của bạn. Mới mới có thể tìm công ty lớn như HSC, SSI. Môi giới đông và hung hãn: VPS, VND, KIS. Ít môi giới, mạnh công nghệ: FPT, MB, TCBS. Tuỳ bạn chọn nhé.

Mình sử dụng TCBS do tính hơi hướng nội và sợ ồn ào.

Tiện thể, công ty chứng khoán nào hầu như cũng có diễn đàn chăm sóc khách hàng. Hãy vào đó đọc một vòng cho quen thuộc các khái niệm trước đã

Mua 10%  tài khoản vào chứng chỉ quỹ trước. Đừng-nghe-môi-giới-vội

Chứng chỉ quỹ ETF là một rổ cổ phiếu được chia nhỏ để bán cho khách hàng nên giảm độ rủi ro tốt hơn. Giao dịch ETF trên sàn như giao dịch cổ phiếu. Tại sao ETF?

Khi mới làm quen, bạn nên dành thời gian tìm hiểu trước, xem mã này là gì, công ty nào. Thị trường lên xuống ra sao. ETF tương đối an toàn vì là rổ cổ phiếu. Cầm ETF bạn có hứng thú xem thị trường hằng ngày lên xuống ra sao và con gì lên, xuống trong rổ.

Các mã ETF tốt để bắt đầu là

Quỹ E1VFVN30, FUESSV30 gồm cổ phiếu hàng đầu thị trường trong VN30.

Quỹ ETF: FUEVFVND gồm các chứng khoán tốt như kim cương của thị trường.

Giao dịch qua giấy trong vòng 1 tháng trước. Đừng-mua-cổ-phiếu-vội

Không sớm thì muộn, các môi giới trong công ty và các diễn đàn sẽ tiết lộ "bí mật" về các cổ phiếu ăn bằng lần, "nhân 5 nhân 10 tài khoản". Bạn đừng nhảy vào mua mà chết. Mình cũng từng như vậy nên mình biết. Bạn đang cực kì háo hức làm giàu nhưng xin giành 15 ngày (hoặc hơn) giao dịch cổ phiếu trên giấy trước. Ghi lại mã, mức định mua (ví dụ 100 cổ ABC giá 5 triệu) và ... chờ xem. Nếu chúng lên thật, bạn hãy bán theo định mức ở trên. Nếu không, coi như bạn thoát một lần lỗ. Ơn trời!. Sau khoảng 5-6 giao dịch như vậy có thể bạn đã hiểu được chút ít về "chim lợn" trên mạng đông và hung hãn như thế nào.

Đầu tư 50% tài khoản vào cổ phiếu bạn quan tâm. Đừng-tiêu-hết-tiền-vội

Ok, giờ bạn đã hiểu đôi chút về cổ phiếu, cách mua bán và giao dịch thử trên giấy. Bây giờ là lúc đầu tư tiền thật. Tuỳ góc nhìn, cách phân tích, khẩu vị mà bạn có thể có cách lựa chọn cổ phiếu khác nhau. Đừng lo lắng quá. Hãy mua 1-2 mã mà bạn thực sự tâm đắc. Dù sao thì bạn cũng ở đây để mua cổ phiếu mà!

Bây giờ, hãy áp dụng chốt lời và chốt lỗ một cách thật kỉ luật 1-2 lần xem sao. Có điều khuyên F0 là, đừng bỏ hết tiền vào mua vội. Có câu nói là "Bạn còn tiền thì còn cơ hội". Cổ phiếu nào trước khi mua cũng hứa hẹn ăn bằng lần cả. Bạn mua vào rồi lại thấy nó không lung linh huyền ảo nữa. Nếu bạn mua hết thì "kẹt" quá. Giờ chưa có tín hiệu bán, chưa T+3 mà có thêm "chục cơ hội x5, x10 nữa". Bạn quay cuồng mua đi bán lại mà quên hết định mức thiết lập ban đầu.

Hãy nhớ: Còn tiền là còn cơ hội

Học cách bán cổ phiếu. Đừng-vay-margin vội

Nhiều người nghe tín hiệu mua cổ phiếu vào rồi lại không biết bán ra thế nào, bao giờ bán. Nói thật là ngay cả người có kinh nghiệm đôi khi cũng khó khuyên bạn điều gì. Cách thông thường được sử dụng là:

  • Chốt lời lỗ như bước 1
  • Quyết định mua sao, quyết định bán vậy

Ví dụ bạn mua theo chỉ số RSI xuống dưới 30, vậy chắc sẽ bán nếu RSI lên trên 70.

Nếu bạn mua vì dòng tiền công ty mạnh, dự kiến đạt 1 tỷ. Nhưng do một biến cố nào đó, dòng tiền giảm xuống còn 800. Vậy thì bán.

Nếu các khái niệm nghe xa lạ, đừng sợ. Hãy like fanpage của Finaz.vn và theo dõi thêm các bài viết để hiểu thêm về tài chính.

Bây giờ bạn đã đảo đều tay giữa cổ phiếu và tiền. Vậy là bạn đã lên một level mới rồi. Chúc mừng một nhà giao dịch cổ phiếu mới.

Còn nếu bạn mua và nắm giữ và mua thêm. Xin chúc mừng, bạn giờ đã là học trò của Warrent Buffeit, hãy tìm đọc các sách của ông và tìm hiểu về đầu tư giá trị

Quyết định đầu tư tiếp hay nghỉ

Vậy là đã 6 tháng sau khi bắt đầu đầu tư và đã định hình được thị trường chút ít. Bạn thấy sao. Hãy dừng lại 5 phút để suy nghĩ.

Nếu bạn thua và lỗ. Chắc đã có gì sai sót. Hãy tìm cách mở rộng vốn kiến thức. Chứng khoán không phải là ngành dễ ăn như lúc đầu bạn tưởng tượng, đúng không?

Nếu bạn cảm thấy mệt mỏi vì theo dõi bảng điện. Ok. Rất nhiều người bị chi phối cảm xúc vì bảng điện tử. Trải nghiệm lo lắng, sợ hãi, sung sướng, thành công ... chỉ sau vài tiếng "trên sàn". Có thể bạn phải tìm hiểu thêm về tâm lý tài chính thêm chút nữa. Tập không nhìn vào bảng điện cũng là rèn luyện công phu bạn ạ.

Nếu bạn ăn bằng lần. Xin chúc mừng triệu phú đô la tương lai. Nhưng xin đừng để thành công bước đầu lấn át lý trí. Kiến thức tài chính, doanh nghiệp, dòng tiền, tâm lý tài chính vẫn phải học hằng ngày. Bạn có thể xem xét mở rộng chốt lời, chốt lỗ (ví dụ từ 15% lên 20%). Xem xét các sản phẩm chứng khoán khác như chứng quyền, quyền chọn index. Quan trọng hơn, hãy phân bổ tài sản hợp lý, một phần vào các mã cổ phiếu an toàn, quỹ ETF, một phần vào các mã rủi ro cao hơn.

Nếu bạn thấy chứng khoán chán ngắt. Bạn thật may mắn! Hãy đóng băng tài khoản hoặc rút hết tiền ra đầu tư vào ngành khác, như kinh doanh chẳng hạn. Xét cho cùng, không phải ai sinh ra cũng làm một nghề, đúng không nào.

Tạm kết

Nếu dấn thân vào chứng khoán, thì e là làm gì có kết thúc. Chỉ có F0 thành F1, F2...Fn thôi. Chứng khoán vẫn là kênh đầu tư tốt và lâu dài. Không phải kênh làm giàu nhanh và vội. Hãy bắt đầu tham gia bằng tư duy vững chắc, tập đi trước khi tập chạy, tập bay.

Chúc bạn đầu tư thành công!

Cảm ơn đã đọc đến đây. Nếu bạn muốn nhận được lời nhắc khi có bài viết mới. Hãy đăng kí lại email ngay bên dưới và like Facebook page của chúng tôi. Chúng tôi rất vui được gặp lại bạn trong các bài viết tới! <3

Share Tweet Send
0 Bình luận
Đang nạp...
You've successfully subscribed to Finaz.vn
Great! Next, complete checkout for full access to Finaz.vn
Welcome back! You've successfully signed in
Success! Your account is fully activated, you now have access to all content.