Gần đây đầu tư dựa và các yếu tố ESG ( môi trường - xã hội - quản trị) đã được đưa vào giáo trình CFA. Hơn thế nữa, các quỹ đầu tư, các đối tác nhập khẩu gần đây cũng đưa ESG như một trong các yếu tố xét duyệt đối tác. Tuy nhiên hiểu biết về ESG ở nước ta còn khá hạn chế, phần lớn suy nghĩ đến doanh nghiệp như một cỗ máy để sản sinh lợi nhuận hơn là quan tâm đến mức độ ảnh hưởng của nó.
Nên mình quyết định sẽ có thêm những bài viết để hiểu thêm về ESG
Phát triển bền vững là gốc rễ của đầu tư ESG
Nếu bạn thích giao dịch trading, mua nay bán mai thì chả quan tâm làm gì. Ngành đầu tư thường chú trọng đến những doanh nghiệp có giá trị trường tồn theo thời gian để những cổ đông cầm và nắm giữ cổ phiếu có thể hưởng lợi trong dài hạn. Một doanh nghiệp phát triển bền vững chính là mục tiêu của đầu tư.
Tuy nhiên, làm sao phát hiện hay đo lường cụ thể liệu doanh nghiệp có phát triển bền vững hay không?
Câu trả lời là: Các yếu tố ESG chính là yếu tố đánh giá mức độ bền vững của doanh nghiệp. Nếu các yếu tố ESG tốt đồng nghĩa với việc doanh nghiệp đó có tính phát triển bền vững. Thuật ngữ "Phát triển bền vững" là khá chung chung. Tuy nhiên các yếu tố về môi trường - xã hội - quản trị lại cụ thể và dễ đo lường hơn nhiều.
Có chắc là doanh nghiệp phát triển bền vững sẽ mang lại lợi nhuận lâu dài cho doanh nghiệp?
Đây là câu hỏi khó, và, nhìn chung các nghiên cứu lâu năm đăng trên các tạp chí chuyên ngành tài chính, kinh doanh đều cho thấy, tương quan giữa các doanh nghiệp có chỉ số phát triển bền vững và lợi nhuận mà cổ đông nhận được. Chúng ta sẽ xem một báo cáo nghiên cứu về các yếu tố ESG là "From the stockhoder to the stakeholder" - Clark, Feiner and Viehs (2015).
- Báo cáo này đã nghiên cứu hơn 200 bài báo, sách, báo nghiên cứu về ESG
- hơn 90% doanh nghiệp có áp dụng sâu ESG giảm thiểu được chi phí vốn
- 88% doanh nghiệp áp dụng ESG nhận thấy sự cải thiện trong hiệu quả hoạt động
- 80% nghiên cứu chỉ ra rằng, việc áp dụng ESG có ảnh hưởng tích cực đến giá cổ phiếu
Áp lực bên ngoài dẫn đến việc lựa chọn ESG
Kể cả người đứng đầu doanh nghiệp còn chưa tin tưởng lắm vào phát triển bền vững và các yếu tố ESG, áp lực từ phía các stakehoder cũng ảnh hưởng lớn đến việc triển khai của doanh nghiệp như:
- Cổ đông/tổ chức góp vốn: gần đây, các quỹ đầu tư có quan tâm đến ESG đang thu hút một lượng vốn lớn. Để nhận được đầu tư từ những quỹ này, bạn buộc phải có báo cáo hoặc có đánh giá từ bên thứ 3 về phát triển bền vững trong doanh nghiệp
- Khách hàng. Khách hàng ngày càng quan tâm đến ảnh hưởng của sản phẩm họ đang sử dụng đến môi trường, xã hội và sẵn sàng tẩy chay sản phẩm ảnh hưởng xấu đến môi trường, xã hội.

- Các tổ chức phi chính phủ/cộng đồng. Ngoài các tổ chức kêu gọi một cách ôn hoà, hợp tác. Một số tổ chức cực đoan như PETA có thể gây hại trực tiếp đến cơ sở kinh doanh của doanh nghiệp
- Chính phủ. Việc hội nhập sâu rộng và kí nhiều thoả thuận với các nước châu Âu, Mỹ cũng tạo áp lực lên Việt Nam. Các quy định về môi trường, xã hội, quản trị cũng sẽ chặt chẽ hơn. Đó là việc sớm hay muộn
Các yếu tố chi tiết của ESG
Ba yếu tố ESG lại có thể chia nhỏ hơn thành các yếu tố nhỏ hơn gồm:
Môi trường | Xã hội | Quản trị |
---|---|---|
Bảo vệ động vật | Quan hệ cộng đồng | Trách nhiệm giải trình |
Đa dạng sinh học | Kinh doanh gây nhiều tranh cãi | Biện pháp chống thâu tóm |
Phát thải carbon | Mối quan hệ khách hàng / Sản Phẩm | Cơ cấu Hội đồng quản trị |
Nguy cơ biến đổi khí hậu | Đa dạng hoá văn hoá | Hối lộ và tham nhũng |
Sử dụng năng lượng | Quan hệ lao động | Trách nhiệm của CEO |
Rủi ro pháp lý | Quan hệ nguồn nhân lực | Mô hình lương thưởng |
Quản lý chuỗi cung ứng | Quyền con người | Cấu trúc sở hữu |
Quản lý chất thải | Tiêu chuẩn lao động | Quyền của cổ đông |
Quản lý nước | Marketing chịu trách nhiệm / R & D | Tính minh bạch |
Sự kiện thời tiết | Công đoàn | Các quy định về thủ tục bỏ phiếu |
Tất nhiên chúng ta sẽ không đi quá sâu, nhưng cũng cần biết để dễ lục tìm lại.
Tạm kết
Việc áp dụng thêm ESG thực sự sẽ gây áp lực lớn lên người học, ít nhất là các CFA candidate. Các phân tích viên và các nhà đầu tư nhỏ lẻ cũng thêm đau đầu, đọc báo cáo tài chính chưa đủ mệt và chán hay sao mà còn thêm báo cáo đánh giá tránh nhiệm xã hội với ESG nữa. Tuy nhiên, hãy nhìn vào tính dễ tổn thương với biến đổi môi trường ở Việt Nam (như nước biển dâng cao) và những vụ đổ/xả thải trộm bị phát hiện và chưa bị phát hiện. Cuối cùng mình nghĩ, có lẽ còn cố được! Phải cập nhật kiến thức trước khi kiến thức ập đến thì tốt hơn. Stay strong!
Nếu bạn muốn nhận được lời nhắc khi có bài viết mới. Hãy đăng kí lại email ngay bên dưới và like Facebook page của chúng tôi. Chúng tôi rất vui được gặp lại bạn! <3